Tình hình Ngựa_bạch_Việt_Nam

Phân bố

Ngựa bạch là loại hiện có số lượng rất ít hiện nay, được phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang, chỉ có khoảng 400–500 con, chiếm 0,3–0,5%0 trong tổng đàn ngựa hiện nay. Trong nhân dân, ngựa Bạch được coi là tài sản quý của mỗi gia đình. Có 70-80% ngựa tại vùng miền núi là sinh sản tự nhiên. Viện chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp điều tra từng công bố số lượng ngựa bạch Việt Nam còn 300 con[9] trong khi Hội Chăn nuôi Việt Nam thì cho rằng còn khoảng 500 con ngựa bạch[6] Trại ngựa trắng Bá Vân là nơi nuôi dưỡng hơn 100 con ngựa bạch thuần chủng đạt tiêu chuẩn được nghiên cứu chăm sóc đặc biệt và nhân giống bảo tồn nguồn gen ngựa quý của Việt Nam[9]

Xã Hữu Kiên thuộc Chi Lăng, Lạng Sơn là địa phương sở hữu nhiều ngựa bạch nhất Việt Nam với trên 130 con trong tổng số chừng 400-500 con ngựa bạch trên toàn quốc. Đặc biệt hơn, đồng bào dân tộc nơi đây còn có những cách chăm ngựa bạch, tạo giống ngựa bạch, nấu cao ngựa bạch. Nghề nuôi ngựa từ lâu rất phát triển ở Hữu Kiên, hiện địa phương này có trên 700 con ngựa, đặc biệt hơn trong đó có khoảng trên 130 con là ngựa bạch.[15] Ở vùng Hữu Kiên có đồi cỏ tốt bời bời, dân cư thưa thớt, nương rẫy ít nên có nghề chăn ngựa dạng cha truyền con nối nhờ sự biệt lập ấy mà đàn ngựa bạch được nuôi dưỡng một cách tự nhiên nhất, tạo nên những chú ngựa bạch hoàn hảo nhất. Và núi đồi hiểm trở lại biến thành địa linh nơi bạch mã tung hoành khi xã Hữu Kiên có những lúc số lượng ngựa bạch lên tới 400 con, chiếm gần 1/3 trong tổng số ngựa nơi đây. Còn vào thời điểm cuối năm 2013 thì số lượng ngựa bạch ở xã Hữu Kiên là 340 con.[14].

Hiện nay, tổng đàn ngựa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 2.950 con, trong đó ngựa bạch chiếm gần 20%. Số ngựa bạch cũng không ngừng tăng lên qua các năm, chẳng hạn như xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn có khoảng hơn 10 hộ dân nuôi gần 100 con ngựa; huyện Pác Nặm và Ba Bể cũng có hơn 200 con.[4] Tuy nhiên, đa số giống ngựa bạch được mua từ Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, thậm chí ở Trung Quốc nên nguồn gốc và bệnh dịch khó được kiểm soát, nhiều người dân vẫn chăn nuôi mang tính tự phát, không có kỹ thuật hay kinh nghiệm chăm sóc[4]

Nguy cơ

Ngựa Bạch chịu kham khổ tốt, có thể phát triển tốt ở các tỉnh miền núi. Ngựa Bạch còn được coi là dược liệu quý hiếm (hay còn gọi là thần dược) dùng vào việc bồi bổ, nâng cao thể lực, chữa trị một số chứng bệnh nan y cho con người. Ngựa bạch được coi là nguồn dược liệu dùng vào việc bồi bổ, nâng cao thể lực, chữa trị một số chứng bệnh nan y cho người. Số lượng ngựa bạch hiện nay không còn nhiều do bị săn tìm để giết thịt, năng suất sinh sản của ngựa cũng đang giảm sút do việc chọn lọc, quản lý đàn ngựa bạch không được chú trọng. Tuy nhiên thời gian gần đây, cũng có người đi nuôi và mua ngựa bạch để lấy cao[7] Giống ngựa bạch càng trở nên hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao bởi khả năng sinh sản thấp với lại giá trị dược liệu quý nên ngựa Bạch bị khai thác rất mạnh. Ở Việt Nam ngựa bạch được quý trọng thứ 2 sau hổ, vì vậy có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Một con ngựa bạch đang được nuôi bảo tôn

Theo Hiệp hội Thú y Việt Nam, hiện nay ngựa bạch đang trên đà tuyệt chủng chỉ còn khoảng 500 cá thể. Hội Thú Y Việt Nam đã cùng với Trại ngựa Bá Vân hợp tác duy trì nòi giống, tỉ lệ đẻ của ngựa bạch chỉ khoảng 20-25% tổng cái sinh sản. Hiện nay Hội Thú Y Việt Nam đã xây dựng một cơ sở chăn nuôi tại xã Yên Mỹ - Thanh Trì – Hà Nội đang nuôi 40-50 con ngựa bạch nhằm giữ giống và phát triển phục vụ cộng đồng. Những con không đẻ được, đủ tiêu chuẩn nấu cao sẽ được nấu theo quy trình dân gian 7 ngày 7 đêm. Hiện nay có một số hộ dân ở các tỉnh cũng biết chăn nuôi ngựa bạch. Trong đó, ở làng Phẩm xã Dương Thành - Phú Bình có những hộ đã thành công trong việc nhân giống ngựa bạch với hơn 200 ngựa.

Những năm gần đây, để bảo tồn gen giống ngựa bạch đã có hai trại nuôi ngựa bạch là dự án Bá Vân tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (15 cá thể) và dự án tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (50 cá thể). Hai trung tâm này đang tích cực gây giống và bảo tồn ngựa bạch bằng phương pháp lai tạo với giống ngựa bạch Tây Tạng[17] Một số quốc gia trên thế giới đã xếp ngựa bạch vào danh sách cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, chưa có quy định về việc bắt giữ người sát hại, tàng trữ, mua bán trái phép ngựa, xương ngựa bạch, cao ngựa bạch. Hoạt động kinh doanh, chế biến các sản phẩm ngựa bạch trong đó có cao ngựa bạch cũng chưa được nghiêm cấm, hoặc siết chặt quản lý. Khả năng ngựa bạch trong tự nhiên sẽ nhanh chóng tuyệt chủng trong sự thờ ơ của các ban, ngành quản lý và tiêu thụ của những người đang mê muội tin vào thứ thần dược trị bách bệnh cao ngựa bạch.[17]

Lai tạo

Trước đây, do có giá trị kinh tế cao nên ngựa bạch không được lai tạo với bất kỳ giống ngựa nào khác[2] Ngày nay, do nhu cầu thị trường mà việc lai tạo đã phổ biến hơn. Có một số phương pháp tạo ra ngựa trắng hay ngựa bạch. Sử dụng ngựa bạch mẹ phối với ngựa bạch bố sinh ra ngựa bạch con. Có cách khác là chọn những con ngựa cái hởi (màu vàng vàng), ngựa cái kim (màu đen trắng) cho lai ở vòng sơ khảo, những con chọn được rồi ban đêm chủ nhân ra chuồng ngựa cầm đèn pin soi vào mắt ngựa, thấy mắt đỏ lừ như hòn than đang cháy mới giữ lại còn không phải đem loại. Những con ngựa hởi, ngựa kim có đặc điểm mắt đỏ ấy phối với ngựa bạch đực sẽ sinh ra ngựa bạch ngoài ra có thể cho ngựa bạch mẹ đem phối với ngựa đực thường cũng sinh ra ngựa bạch.[15]. Một thời cao ngựa được săn lùng ráo riết nhưng ngựa bạch đực lại vô cùng khan hiếm. Đã có lúc tìm cả xã chỉ được vài chú ngựa bạch đực trưởng thành, còn lại thì toàn ngựa cái. Tình trạng mất cân bằng giới tính như vậy đã dẫn tới việc để có giống thuần chủng, chủ ngựa cái phải đặt gạch ở những nhà có ngựa bạch đực đến cả tháng[14]

Người ta cũng lai giống ngựa bạch Việt Nam với giống ngựa bạch Tây Tạng, do đặc thù ngựa bạch Việt Nam nhỏ nên trang trại đã nuôi thêm ngựa Tây Tạng để cải tạo nhân giống.[9], ngựa bạch Tây Tạng con trưởng thành có thể nặng đến 350 kg, gấp đôi ngựa bạch Cao Bằng của Việt Nam. Một con ngựa Tây Tạng trưởng thành có thể nấu được 7 kg cao trong khi ngựa bạch Cao Bằng chỉ nấu được 3,5 kg.[16] Ngựa bạch Tây Tạng có giá cả trăm triệu đồng một con. Với những con ngựa bạch trưởng thành nặng trên 300 kg,vào thời điểm năm 2013 có giá khoảng 200 triệu/con. Do quen sống ở xứ lạnh như vùng cao nguyên Tây Tạng nên giống ngựa bạch này về Việt Nam gặp thời tiết nóng của mùa hè là rất dễ chết.

Chăn nuôi

Bài chi tiết: Nuôi ngựa
Ngựa bạch Việt Nam đang kiếm ăn

So với giống ngựa thông thường, ngựa bạch được người mua ưa chuộng hơn, đặc biệt trong vài năm trở lại đây, giống ngựa bạch chiếm số lượng nhiều hơn hẳn trong tổng đàn, nhiều người chọn mua ngựa bạch phần vì ngựa bạch đẹp mã hơn[8]. Việc chăm sóc giống ngựa này cũng rất nhàn, người nuôi không cần phải chăn hằng ngày như trâu, bò, mà thả chúng đi rông tự nhiên. Vào mùa đông lạnh thì hạn chế tắm và thả rông. Ngựa nuôi 10 tháng là trưởng thành, nuôi thêm 1 năm có thể sinh sản. So với các loài vật nuôi truyền thống khác, việc nuôi ngựa bạch không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật, vừa tận dụng được diện tích chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, số vốn đầu tư ban đầu để nuôi ngựa bạch không nhiều, quá trình nuôi hoàn toàn có thể tận dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có như cỏ, lá ngô kết hợp với ngô hạt hoặc thóc xay[18]

Có cách nuôi ngựa kì lạ của người dân xứ Lạng với cách chăn thả và nuôi nhốt rất cẩn thận của chủ trại bởi giá một chú ngựa bạch rất cao nhưng ngựa bạch ở xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn người dân lại có một cách nuôi lạ. Người nuôi ngựa nơi đây để cho chú ngựa của mình tự phát triển ở nơi đồi núi, nếu nói ngựa bạch ở nơi đây là ngựa hoang, ngựa ở nơi đây được nuôi từ rất nhiều năm trước và ngựa bạch được chuộng nhân giống vì có giá thành cao. Ở đây ngựa tự đi kiếm cái ăn, chúng có thể đi cả tuần, cả tháng mới trở về nhà. Vào mùa gặt thì mới phải chăn thả cẩn thận hơn, không hiếm trường hợp trong khi lang thang ở các khu đồi núi, ngựa bị ngã hay trượt chân xuống hố, nếu có người phát hiện sớm thì cứu được nhưng cũng có khi là bỏ mạng vì chấn thương, những chú ngựa ở nơi này tự quyết định mạng sống của mình ở vùng đồi núi hoang vu này[14]

Thị trường

Ngựa bạch là giống ngựa quý hiếm, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh, giá của một con ngựa bạch giống bình thường dao động từ 20 đến 25 triệu đồng, đối với ngựa trưởng thành có thể bán ra thị trường với giá khoảng 50 đến 70 triệu đồng/con. Giá cao ngựa bạch thị trường hiện là trên 1 triệu đồng/lạng[4]. Trước đây giá trị một con ngựa bạch chỉ ngang ngựa thường vì người ta không biết nấu cao cũng chẳng dám ăn thịt chúng mà chỉ sử dụng để thồ hàng. Giờ cao ngựa bạch được ưa, người dân mới gây thêm giống cho đàn ngựa bạch trở nên đông đúc. Cứ mỗi một năm rưỡi, mỗi chú ngựa cái lại cho ra một lứa ngựa bạch mới có giá trị rất cao.

Mỗi chú ngựa bạch được dân buôn thu mua từ 40-50 triệu tùy theo độ tuổi, cân nặng, có những lái buôn vào tận nơi để ra giá cho đàn ngựa. Một con ngựa bạch mới tách mẹ hiện có giá từ 20-22 triệu đồng/con, ngựa được 1-2 năm tuổi giá từ 25-30 triệu. Nuôi vỗ béo thu lãi từ 1,5-2 triệu đồng/con/tháng. Ngày càng có nhiều người tìm mua ngựa bạch để làm thuốc chữa bệnh nên giá ngựa đã tăng 4-5 lần so với năm 2004. Một con ngựa bạch mới tách mẹ hiện có giá từ 20-22 triệu đồng/con, ngựa được 1-2 năm tuổi giá từ 25-30 triệu. Nuôi vỗ béo sau 4-5 tháng là bán theo mức 500 nghìn đồng/kg ngựa hơi. Trung bình thu lãi từ 1,5-2 triệu đồng/con/tháng. Hiện ngựa bạch giống dao động từ 20 - 25 triệu đồng/con[12].

Nhiều năm trở lại đây, ở các huyện vùng cao của tỉnh Bắc Kạn như Pác Nặm, Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao, giống ngựa này ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc do nguồn thức ăn dồi dào vì có thể lấy trong rừng hay trồng ở vườn nhà. Trước đây ngựa bạch phần lớn được nhập về từ Trung Quốc, người dân địa phương chỉ nuôi thương phẩm để nấu cao hay trung chuyển, buôn bán với các địa phương khác. Tại xã Ngọc Lý, Thái Nguyên giá ngựa bạch được bán theo nhu cầu thị trường. Tức là khi ngựa bạch ở mức bình thường thì dao động từ 50–60 triệu đồng/con đực, 30–40 triệu đồng/con cái. Nhưng khi ngựa bạch đã khan hiếm thì giá trị có thể lên tới 80 triệu đồng/con không kể là cái hay đực[7]

Một số hộ ở Việt Yên (Bắc Giang) mạnh dạn chọn nuôi ngựa bạch, loài gia súc quý hiếm và đang rất có giá trên thị trường như thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên), mô hình nuôi ngựa bạch được nhân rộng ở thôn Kim Sơn. Hai năm nay, thôn có khoảng 40 hộ thường xuyên nuôi ngựa bạch với đàn ngựa 60-70 con, tổng số tiền mua ngựa giống 1,2-1,5 tỷ đồng, nhiều khách hàng từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đã tìm đến Kim Sơn mua ngựa. Cùng với Kim Sơn, mô hình nuôi ngựa bạch đã xuất hiện ở thôn Ba, xã Việt Tiến (Việt Yên). Quy mô đàn ngựa tại đây dao động từ 50-60 con. Một số hộ có vốn lớn đã nuôi tới 8-10 con/lứa. Nuôi ngựa bạch chủ yếu sử dụng những phụ phẩm nông nghiệp nên rất phù hợp với người dân nông thôn[19]

Ở Khuôn Kén, mỗi hộ, chỉ cần đầu tư từ 10-15 triệu đồng là có thể mua được một con ngựa giống non khoảng 5 tháng tuổi, chăm sóc tốt, sau 3 năm là ngựa cái bắt đầu sinh sản, trung bình ngựa cái sẽ đẻ một con/năm. Ngựa con 5 tháng tuổi là có thể xuất bán giống, nếu nuôi đến khi trưởng thành thì giá trị từ 40 - 45 triệu đồng/con, ngựa đực thì sẽ có giá trị kinh tế cao hơn, trung bình vào khoảng 50 - 60 triệu đồng/con. So với nuôi ngựa thịt hay nuôi trâu, bò thì việc nuôi ngựa bạch khá dễ mà lại yên tâm về đầu ra của sản phẩm, nuôi sáu con ngựa bạch với giá trị gần 200 triệu đồng[20].

Cao ngựa

Cách phân biệt cao ngựa bạch thật giả qua nhận biết màu cánh gián (sẫm hay nhạt là do cách nấu của từng cơ sở), mặt hơi mịn, hơi bóng, cao càng khô độ bóng sẽ giảm. Cao giả là miếng cao trong suốt thì thành phần chủ yếu là sáp ong còn loại cao có nhiều hạt trắng là do người nấu chạy theo lợi nhuận nghiền bã xương đã nấu trộn vào. Thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại cao xương ngựa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác và không có hạn sử dụng. Bản chất của cao xương ngựa chỉ là một loại thực phẩm chức năng[17] So với các địa phương khác thì cao ngựa Bắc Giang được đánh giá cao hơn cả về chất lượng. Hiện nay, cao ngựa Bắc Giang đã được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa_bạch_Việt_Nam http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&m... http://cstc.cand.com.vn/The-gioi-di-thuong/Dan-ngu... http://dantri.com.vn/suc-khoe/cao-ngua-bach-khong-... http://congannghean.vn/phong-su/201401/noi-buon-ng... http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=75438 http://dangcongsan.vn/kinh-te/nuoi-ngua-bach-thoat... http://qlkh.tnu.edu.vn/theme/details/579/nghien-cu... http://wcag.mard.gov.vn/pages/news_detail.aspx?New... http://nongnghiep.vn/nuoi-ngua-bach-o-bac-giang-po... http://thethaovanhoa.vn/%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%9...